Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng uỷ, Hội Phụ nữ xã, Chi hội Phụ nữ thôn Hà Nam đã tập trung triển khai, tổ chức thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14/5/2011 về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có nhiều chuyển biến tích cực từ trong nhận thức đến hành động; cán bộ, hội viên phụ nữ thôn Hà Nam ngày càng hiểu hơn về tầm quan trọng, ý nghĩa sâu sắc và lợi ích thiết thực của việc học tâp và làm theo Bác. Từ đó nhiều phong trào, nhiều mô hình được triển khai thực hiện có hiệu quả, được chị em phụ nữ đồng tình, ủng hộ như mô hình góp vốn quay vòng, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, mô hình “heo đất”, “tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”, mô hình “thôn không có phụ nữ sinh con thứ 3+” đã tạo hiệu ứng lan tỏa trong hội viên phụ nữ thôn nhà.
Để hướng ứng phong trào, tổ phụ nữ 52a và 52b đã có một ý tưởng, xây dựng mô hình thiết thực, hiệu quả, dù là nhỏ nhất nhằm góp phần làm cho việc học tập và làm theo Bác ngày càng đi vào đời sống xã hội, nhất là đối với chi hội phụ nữ.
Sau nhiều lần bàn thảo, một nhóm chị em phụ nữ của 2 tổ đã đi đến thống nhất chọn, xây dựng mô hình “Bát cháo tình thương” cho người già neo đơn, người tàn tật. Đây là mô hình đòi hỏi phải đầu tư nhiều thời gian, nhiều khâu công việc cùng một lúc. Khó nhất là nguồn kinh phí để duy trì mô hình, nhân lực tham gia. Vẫn biết, sự ra đời của mô hình bước đầu sẽ gặp không ít khó khăn nhất định, song nhóm chị em trong tổ quyết tâm phải làm cho bằng được. Sau khi tranh thủ sự lãnh, chỉ đạo của Chi ủy- chi bộ, Ban thôn và chi hội phụ nữ, nhóm chị em này tổ chức phát động thực hiện mô hình bằng nguồn kinh phí tự đóng góp của tất cả chị em trong nhóm. Mô hình chính thức ra đời tháng 02 năm 2018. Sau vài tháng hoạt động, có 01 đảng viên trong thôn (dấu tên) tài trợ hằng tháng cho mô hình này.
Công việc đầu tiên của chị em là phải khảo sát, thống kê số đối tượng cần được hỗ trợ để xây dựng kế hoạch, tính toán nguồn kinh phí, mua sắm dụng cụ, chọn địa điểm nấu, khẩu phần ăn cho mỗi xuất, bố trí người phân phát xuất ăn đến tận tay đối tượng. Sau khi hoàn tất các khâu chuẩn bị, chị em bắt đầu triển khai thực hiện mô hình. Bước đầu nhóm chỉ có 06 chị em, do chị Lê Thị Nguyệt và Trần Thị A phụ trách, phải chia nhau đảm nhận nhiều phần việc như lên thực đơn, tổ chức nấu, phân khẩu phần và đi phân phát cho đối tượng.
Ngày hôm trước, phân công 2 đến 3 thành viên trong tổ đi mua sắm lương thực, thực phẩm đảm bảo chất dinh dưỡng chuẩn bị sẵn, sáng ngày hôm sau, từ 3 đến 4 giờ sáng, cả nhóm không ai bảo ai đều tập trung đến địa điểm, kẻ nấu, người phân chia khẩu phần ăn cho vào bịch nilông, từ 6 giờ - 6 giờ 30 sáng, cả nhóm chia nhau đem khẩu phần ăn đến trao tận tay người nhận.
Địa điểm tổ chức nấu nướng là bên ngoài hành lang đường giao thông tại Cồng Bà Tiền, lúc trời mưa thì dùng bạt che, khi có gió thì mượn tôn che chắn, khi mưa to, gió lớn thì mượn hiên nhà dân để nấu.
Thời gian đầu nhóm chỉ phục vụ được khoảng 100 đến 150 xuất ăn buổi sáng cho các đối tượng trong thôn vào các ngày rằm, mồng một hằng tháng, cứ như vậy số lượng ngày một tăng lên, do đó nguồn kinh phí cũng tăng theo.
Trao đổi với chúng tôi, chị Trần Thị A chia sẽ: Khó khăn lớn nhất của nhóm chúng tôi là số chị em tham gia nhóm còn quá ít, nhưng cùng một lúc phải thực hiện nhiều khâu công viêc, mặt khác nguồn kinh phí để thực hiện và duy trì mô hình ngày càng tăng thêm. Song, không phải vì thế mà nhóm dừng hoạt động, chị em hạ quyết tâm bằng mọi cách phải duy trì và mở rộng mô hình. Sau một thời gian triển khai, thực hiện mô hình đã có kết quả, nhân dân và hội viên phụ nữ trong thôn hết sức đồng tình, ủng hộ, đến thăm hỏi, động viên, tiếp thêm động lực để chị em trong nhóm nỗ lực, cố gắng, quyết tâm hơn; từ đó mô hình ảnh hưởng lan rộng dần ra trên địa bàn xã, nhiều nhà hảo tâm, mạnh thường quân trong và ngoài địa phương đến thăm, động viên, ủng hộ kinh phí để duy trì mô hình; đối tượng được hỗ trợ cũng không ngừng tăng lên, địa bàn cũng mở rộng ra trên toàn xã; khách vãng lai khi đi qua cũng dừng lại hỏi thăm, có người còn ủng hộ kinh phí cho hoạt động của nhóm; Chi hội phụ nữ thôn cũng thường xuyên quan tâm đến thăm, động viên, đồng thời trích từ nguồn quỹ tiết kiệm của chi hội hay kinh phí được cấp trên khen thưởng cho các phong trào để hỗ trợ thêm hoạt động của mô hình; nguồn quỹ từ đó cũng không ngừng được tăng nhanh, đảm bảo trang trải cho chi phí hoạt động và trích một phần kinh phí còn lại để hỗ trợ, giúp đỡ cho các đối tượng trong thôn không may bị tai nạn, bệnh tật đột xuất. Lực lượng tình nguyện viên tham gia vào nhóm cũng ngày một tăng thêm, đến nay có gần 20 người trong và ngoài thôn tham gia; phong trào đã được duy trì từ năm 2018 cho đến nay, nhóm đã hỗ trợ từ 400 đến 450 xuất ăn các đối tượng trên địa bàn xã, kinh phí chi cho 1 tháng từ 3,8 đến 4 triệu đồng. Tổng trị giá mà nhóm tự nguyện đóng góp cùng với sự ủng hộ, giúp đỡ của các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm trong 5 năm qua là khoảng 250 triệu đồng.
Ngoài mô hình “Bát cháo tình thương” chị em trong nhóm còn vận động quyên góp áo quần cũ đem về giặt giủ, sách giáo khoa; mua thêm bút vở, nhu yếu phẩm đóng gói cẩn thận cử đoàn lên tận vùng cao của tỉnh để tặng cho đồng bào nghèo, khó khăn, mỗi năm ít nhất tổ chức 1 chuyến đi, trị giá hàng hóa của mỗi chuyến từ 25 đến 30 triệu đồng. Tổng nguồn kinh phí của 2 chương trình trên trong 5 năm qua là khoảng 400 triệu đồng.
Việc làm của nhóm xuất phát từ tấm lòng yêu thương trước những khó khăn, rũi ro, nỗi bất hạnh của người khác, “Thương người như thể thương thân”, Một thành viên trong nhóm tâm sự: Chị em trong nhóm chúng tôi luôn trăn trở và mong muốn làm một việc gì đó có ích, dù là nhỏ nhất, để giúp cho những người già neo đơn, nghèo khó, những người không may bị tật. Tuy chỉ 2 bát cháo trong mỗi tháng, nhưng cũng góp phần làm vơi đi một phần nào khó khăn, nhọc nhằn trong cuộc sống, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”; làm cho họ thêm ấm lòng hơn, tin tưởng, quý trọng hơn giá trị của cuộc sống.
Chị Dậy tâm sự: Trong thời gian đến, nhóm chúng tôi tiếp tục duy trì mô hình và mở rộng đối tượng hỗ trợ trên địa bàn toàn xã. Chúng tôi mong rằng, cấp ủy, chính quyền, Hội phụ nữ xã, nhất là chi uỷ, chi bộ, Ban nhân dân, chi hội phụ nữ thôn Hà Nam quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần, tiếp thêm động lực để mô hình được duy trì và phát triển.
Mô hình “Bát cháo tình thương” của nhóm chị em phụ nữ thôn Hà Nam xứng đáng với danh hiệu điển hình tiên tiến trong phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ./.